Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Thành lập khu bảo tồn cá đuối ở Indonesia

Luật pháp Indonesia cho phép bảo vệ toàn diện tất cả các loài sinh vật sống dưới nước tại các vùng biển xung quanh đảo quốc ở Đông Nam Á, nơi thường xuyên có sự xuất hiện của các loài cá đuối và cá mập lớn nhất thế giới.

Các nhóm bảo tồn quốc tế đã ca ngợi hành động của Indonesia và cho rằng khu bảo tồn cá đuối sẽ đem về doanh thu hàng triệu USD cũng như tạo nên một môi trường sống an toàn cho loài sinh vật này. Hiện cá đuối ở Indonesia được săn bắt trái phép với giá trung bình từ 40 USD đến 500 USD.

Nhiều khách du lịch nước ngoài đến Indonesia mỗi năm để chứng kiến vùng biển với đa dạng các loài sinh vật sinh sống, trong đó có cá đuối. Kích thước của cá đuối lên tới 7,5 mét khiến nó dễ dàng bị phát hiện trên mặt nước.

Indonesia là một trong số ít các quốc gia trên thế giới bảo tồn cả hai loài cá đuối sống trong các đại dương và rạn san hô. Quần thể cá đuối thường xuyên sinh sống xung quanh khu vực đảo Bali, hòn đảo Flores ở miền đông Indonesia và ngoài khơi trên mũi phía tây bắc của đảo New Guinea.

Sở dĩ cá đuối phát triển mạnh ở Indonesia do các rạn san hô và dòng chảy mạnh tạo điều kiện sống thuận lợi cũng như nguồn thức ăn dồi dào từ các loài sinh vật phù du.

Cá đuối được các nhà khoa học trên thế giới đánh giá là loài sinh vật thân thiện và thông minh. Nó có bộ não lớn nhất so với tỷ lệ kích thước cơ thể trong tất cả các loài cá.

Cá đuối có thể dễ dàng bị săn bắt bởi con người nếu như không được kiểm soát. Số lượng các đuối, đặc biệt ở châu Á đã giảm mạnh do nhu cầu đến từ thị trường Trung Quốc, nơi mà loài cá đuối có những tác dụng đặc biệt trong y học cổ truyền.

Indonesia thành lập khu bảo tồn cá đuối với diện tích 5,8 triệu km2 trên các đại dương. Mọi hình thức đánh bắt và xuất khẩu đều bị nghiêm cấm. Một năm trước đó, chính quyền địa phương ở Raja Ampat đã thành lạp một khu bảo tồn cá đuối riêng với diện tích 46.000km2.Indonesia đã gia nhập nhóm các quốc gia bảo vệ cá đuối bao gồm Ecuador, Philippines, New Zealand và Mexico. Theo Liên minh Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên, các đuối là loài sinh vật rất dễ tuyệt chủng nếu bị săn bắt quá mức.

Tạo ra tế bào gốc có khả năng chữa trị mọi loại bệnh ung thư

Nếu phương pháp này áp dụng được trên người, nó sẽ được sử dụng để tạo mô cho những người cần cấy ghép nội tạng và góp phần tích cực chữa trị các bệnh như ung thư.

Phương pháp này bao gồm việc cho các tế bào lá lách của chuột tiếp xúc với một môi trường có tính axit. Sau khi làm xong, các nhà khoa học phát hiện ra rằng các tế bào đã trở nên "toàn năng''- có thể biến đổi thành hầu hết các loại tế bào trong cơ thể, kể cả những tế bào được tìm thấy trong phổi, cơ, xương, máu, da hoặc hệ thống thần kinh. Các nhà nghiên cứu gọi chúng là những tế bào ''STAP''.
''Nếu phát hiện này được nhân rông, có khả năng lớn là kết quả sẽ trở nên rất quan trọng,'' Linzhao Cheng, một giáo sư y khoa về ung thư tại Đại học Y dược Johns Hopkins cho biết.
Các nhà nghiên cứu Nhật Bản lần đầu tiên giới thiệu phương pháp chế tạo tế bào gốc từ tế bào trưởng thành vào năm 2006. Phương pháp này sử dụng virus để đưa gen mới vào trong các tế bào trưởng thành, sau đó sản xuất ra những tế bào được gọi là ''tế bào gốc đa năng cảm ứng'' (iPSCs).
Nhưng phương pháp mới sử dụng môi trường axit này có hiệu quả nhanh chóng hơn và không yêu cầu phải điều khiển DNA của tế bào.
Nghiên cứu cho thấy các tế bào STAP không chỉ mở ra một con đường khác để chế tạo tế bào gốc, chúng còn có thể giúp chúng ta tìm hiểu cách các khối u phát triển trong tế bào, Cheng cho biết.
Thông thường, một tế bào trong cơ thể sẽ được chuyên biệt biệt hóa- ví dụ, để trở thành một tế bào lá lách, chúng sẽ không thể biến đổi và phát triển thành một loại tế bào khác. Một mục đích của việc nghiên cứu tế bào gốc là để tìm cách tái tạo tế bào trưởng thành, nhờ đó chúng có thể thay đổi cấu trúc và phát triển thành bất cứ thứ gì con người cần. Điều đó có nghĩa là các mô tim có thể được thay thế sau một đợt đau tim đột ngột, tương tự với mô thận khi bệnh nhân bị ung thư.
Thường thì mọi người cho rằng, để cho các tế bào trở về trạng thái ban đầu, tức là trước khi được chuyên biệt hóa, các nhà nghiên cứu hoặc phải chuyển đổi nhân tế bào, hoặc thêm vào tế bào một loại hỗn hợp phức tạp nhằm điều khiển cách DNA trở thành protein.
Nghiên cứu chỉ ra rằng một môi trường khắc nghiệt có thể tái lập trình tế bào thành trạng thái chưa trưởng thành. Và từ trạng thái này thì tế bào có thể phát triển thành bất kì tế bào mới nào, nhưng chưa có ai từng tái lập trình tế bào theo cách này.
Nhà nghiên cứu Haruko Obakata và đồng nghiệp đã phát triển một phương pháp mới để tái lập trình tế bào chuột. Họ lấy tế bào lá lách của một con chuột 1 tuần tuổi và ngâm chúng trong dung dịch axit, ở nhiệt độ cơ thể người, trong vòng 25 phút.

Họ phát hiện ra rằng, dưới tác động của môi trường axit, các tế bào thực sự chuyển đổi thành trạng thái đa năng như tế bào gốc của phôi thai. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp tương tự để biến đổi tế bào mô não, da, cơ, mỡ, tủy xương, phổi và gan thành tế bào gốc. Tất cả các thí nghiệm đều thành công.
Các nhà khoa học cũng kiểm tra tiềm năng của các tế bào bằng cách tiêm chúng vào phôi chuột đang phát triển, nhưng vẫn đang ở một giai đoạn sớm. Họ phát hiện ra rằng phôi thành đã phát triển thành những cá thể chuột khỏe mạnh, mang trong mình thông tin di truyền từ cả tế bào STAP và tế bào gốc của phôi thai.
Trong nghiên cứu thứ hai, các nhà nghiên cứu tìm ra rằng không những tế bào STAP có thể phát triển thành tế bào phôi chuột, chúng còn có thể phát triển thành tế bào nhau thai- một dấu hiệu cho thấy tiềm năng mạnh mẽ của tế bào STAP- phát triển thành mọi loại tế bào. Ngoài ra, tế bào STAP có thể biến đổi thành tế bào tự thay mới như tế bào phôi.
Thời gian cần để thực hiện phương pháp mới này ít hơn hẳn so với phương pháp hiện tại thường dùng, Obokata cho biết. Bên cạnh môi trường axit, các nhà nghiên cứu cũng thử nghiệm với những môi trường khắc nghiệt khác, ví dụ như ép chặt các tế bào, tăng cao nhiệt độ hoặc lấy đi chất dinh dưỡng của chúng. Những cách này cũng có thể khiến tế bào trưởng thành trở thành tế bào đa năng, cho thấy khả năng những môi trường khác cũng có tác dụng tương tự như môi trường axit.
Paul Frenette, một nhà sinh học chuyên nghiên cứu tế bào gốc tại Đại học Y dược Albert Einstein tại New York cho biết phương pháp mới này rất thú vị. Rất nhiều nhà khoa học đã bỏ ra không ít công sức trong việc tái lập trình tế bào, nên việc tái lập trình chúng dễ dàng chỉ nhờ thay đổi tính axit của môi trường là một bước đi vượt trội.
‘’Những phòng thí nghiệm sẽ nhân rộng phát minh này ở chuột, rồi cuối cùng sẽ là tế bào con người. Phương pháp này rất dễ thực hiện, nên chúng tôi có thể sao chép tế bào một cách nhanh chóng”, Frenette nói.
Đây là một bước tiến lớn trong việc nghiên cứu và phát triển công nghệ tế bào gốc. Nó làm tiền đề cho việc điều trị bệnh ung thư hay cấy ghép nội tạng trên người sau này.

Top 10 loài thực vật có tuổi thọ nghìn năm tuổi

Theo quy luật, mọi sinh vật sống trên Trái đất đều sẽ lớn lên và mất đi, nhưng bên cạnh đó cũng có một số loài thực vật sống "thọ" hơn các loài khác.Lấy chân lý ấy làm cảm hứng, trong suốt gần một thập kỷ, nhiếp ảnh gia Rachel Sussman đã đi vòng quanh thế giới, tìm kiếm những thứ trong tự nhiên sống lâu nhất.
Cuối cùng, cô cũng đã thỏa nguyện vọng của bản thân khi tìm ra được những loài thực vật “cực thọ” trên Trái đất, loài trẻ nhất cũng đạt tới 2.000 năm tuổi. Hãy cùng tìm hiểu về những tác phẩm nổi bật nhất của Sussman trong chuyến đi đầy thú vị ấy qua bài viết dưới đây.
10. Cây bao báp
Cây bao báp là biểu tượng của châu Phi - mảnh đất kho cằn nhất thế giới. Không chỉ nổi tiếng với kích thước to lớn, đồ sộ, bao báp còn được người ta nhắc tới với tư cách của một trong những loài cây sống thọ nhất.

Cây bao báp trong bức ảnh “sống” tại khu bảo tồn Kruger ở Nam Phi với tuổi thọ là khoảng 2.000 năm. Sở dĩ loài cây này sống lâu tới vậy là vì càng phát triển, thân cây bao báp càng to, càng rỗng và khả năng giữ nước càng lớn.
Ước tính trong 4 tháng, một cây bao báp có thể tích trữ trong thân 130.000 lít nước. Trong lịch sử, phần thân rỗng bên trong một cây bao báp ở Australia từng được sử dụng làm nhà tù giam giữ tử tù trên đường đi hành hình.
9. Cây Welwistchia 

Welwistchia là loài cây chỉ sống ở gần bờ biển Namibia và Angola nơi tiếp giáp với sa mạc. Đây được coi là loài thực vật hạt trần cổ xưa nhất còn sót lại trên Trái đất và luôn được mệnh danh là “hóa thạch sống” bởi tuổi thọ lên tới hơn 2.000 năm.
8. Cây Llareta 
Nếu tới thăm sa mạc Atacama, dãy núi Andes ở Peru, Bolivia hay Chile, bạn có thể dễ dàng bắt gặp khắp nơi hình ảnh của một loài cây có màu xanh quanh năm đặc trưng bao phủ các phiến đá nhỏ tên Llareta.

Đây là loại cây hoa nhỏ sống ở độ cao 3.200 - 4.500m so với mực nước biển. Tốc độ phát triển của Llareta rất chậm, trung bình chỉ lớn thêm 1,5cm mỗi năm. Chính yếu tố trên giúp cho Llareta sống rất lâu, có cá thể thậm chí đạt khoảng 3.000 năm tuổi.
7. Rêu đá

Cách đây 100 năm, các nhà thám hiểm đã phát hiện trên đảo Voi, Nam Cực loài rêu đá cổ xưa bậc nhất trên thế giới, có tuổi thọ ước chừng 5.000 năm. Theo các nhà khoa học, mặc dù địa chất ở Nam Cực vô cùng cằn cỗi, nghèo nàn song chính phân của loài chim cánh cụt sống ở đây đã giúp cho loài rêu này tồn tại và phát triển.
6. Cây thông Bristlecone
Cây thông Bristlecone nằm trong dãy núi Trắng ở California. Tính tới năm 2014, cây thông này đã tròn 5.064 tuổi và luôn được mệnh danh là cây đơn sống lâu nhất ở Bắc Mỹ.

Theo các chuyên gia ước tính, có những lá xanh trên cây thông này đã 40 năm tuổi. Ngoài ra, gỗ thông Bristlecone rất đặc và nhiều nhựa, do đó, nó có thể chống được sự xâm hại, đục khoét của côn trùng và sâu bệnh. Đây cũng chính là hai nguyên nhân chủ yếu giúp loài này sống lâu tới vậy.
5. Cây vân sam Na Uy

Nằm ở phía Tây Thụy Điển, cây vân sam Na Uy này già tới mức ít ai ngờ - tính tới nay nó đã được 9.550 tuổi. Theo các nhà khoa học, cách đây khoảng 9.500 năm, khu vực xung quanh trong bức ảnh phủ kín những cây vân sam tương tự, song chính sư biến đổi khí hậu đã làm số lượng loài thực vật này sa sút đi nhanh chóng.
4. Cây thông Huon
Nếu so sánh về tuổi thọ thì có lẽ cây thông Bristlecone không thể sánh bằng người họ hàng xa của mình - cây thông Huon. Bức ảnh trên của Sussman chụp lại quần thể thông Huon ở núi Read, Tasmania.

Phần lớn trong số chúng đã bị lửa thiêu hủy sau những vụ hỏa hoạn tuy nhiên một số ít cá thể vẫn còn sống sót. Theo giám định, quần thể thông ở đây có độ tuổi khoảng 10.500 năm.
3. Cây bụi Mojave Yucca
“Sinh ra và lớn lên” tại sa mạc Mojave, California, tính tới nay, quần thể cây bụi Mojave Yucca đã “tổ chức sinh nhật” ngót nghét 12.000 lần. Những cá thể cứ lớn lên và chết đi được thay thế bởi các cá thể mới mọc từ chung một bộ rễ là nguyên nhân giúp loài thực vật này sống lâu tới vậy.

Từ xa xưa, người Mỹ bản địa đã phát hiện ra rất nhiều tác dụng của loài cây này - dùng làm dép, dây thừng, vải, thuốc chữa bệnh đau đầu, viêm khớp. Ít ai ngờ, hoa và quả của loài cây này có thể ăn được, rễ cây được dùng làm xà phòng…
2. Cây bạch đàn Australia 

Trên là hình ảnh một trong năm cây bạch đàn hiếm nhất thế giới. Cá thể này sống ở New South Wales, Australia và đã có tuổi thọ lên tới 13.000 năm. Ít ai biết rằng bạch đàn mặc dù có mặt ở rất nhiều nơi nhưng chính Australia mới là quê hương, gốc gác thật sự của loài thực vật này. Nó cũng là một trong số ít những loài cây thân gỗ nhưng lá có chứa chất độc trong lá và tinh dầu - có tác dụng như thuốc trừ sâu và đuổi muỗi tự nhiên.
1. Cỏ biển Posidonia
Quán quân về tuổi thọ trong giới thực vật đáng ngạc nhiên lại là một loài cỏ biển tên Posidonia. Đây là loài cỏ đặc hữu chỉ có tại biển Địa Trung Hải. Tên gọi Posidonia có nguồn gốc từ tên của thần biển cả trong thần thoại Hy Lạp - Poseidon.

 Ước tính tới nay, cỏ Posidonia đã khoảng 100.000 năm tuổi. Dưới góc nhìn khoa học, cỏ Posidonia thường được ứng dụng để đo mức độ ô nhiễm nguồn nước bởi loài thực vật này chỉ có thể sống và phát triển trong môi trường nước sạch mà thôi.

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Nông nghiệp Trung Quốc chết dần vì ô nhiễm môi trường

Phó giáo sư trường Đại học Tài nguyên nước và Xây dựng Nông nghiệp Trung Quốc Đổng Thiên An khẳng định, nông nghiệp Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì “mùa đông hạt nhân”. Đây là một giả thuyết mà các nhà khoa học Mỹ đã đưa ra vào thập kỷ 80 thế kỷ 20, cho rằng, chiến tranh hạt nhân sẽ tạo thành những đám mây bụi và khói lớn, ngăn cản ánh sáng Mặt Trời, làm giảm nhiệt độ bề mặt Trái Đất trong một khoảng thời gian dài. 

Bà đã chứng minh rằng, ô nhiễm không khí ở Trung Quốc đã giảm 50% lượng ánh sáng xuống mặt đất, làm cản trở quá trình quang hợp của cây xanh, đặc biệt là các loại cây cung cấp lương thực cung cấp cho quốc gia tỷ dân này.

Bà đã thử nghiệm tác động của không khí ô nhiễm tới sự phát triển một nhóm ớt và cà chua. Một nhóm được trồng dưới ánh sáng nhân tạo trong phòng thí nghiệm, nhóm khác được trồng trong một nhà kính ở vùng ngoại ô Bắc Kinh. Kết quả cho thấy, những giống được trồng trong phòng thí nghiệm chỉ 20 ngày đã nảy mầm, trong khi ở nhà kính phải mất tới hơn 2 tháng. Bà cảnh báo, nếu sương mù không giảm, nông nghiệp Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Lý Quý Tân, một người dân ở thành phố Thạch Gia Trang phía Bắc Trung Quốc đã đệ đơn kiện lên tòa án tỉnh Hà Bắc cáo buộc cơ quan môi trường thành phố tắc trách và yêu cầu được bồi thường. Ông cho rằng, người dân đã phải bỏ ra nhiều tiền mua khẩu trang, mặt nạ, máy lọc khí và máy chạy bộ trong nhà khi môi trường bị ô nhiễm nặng.

Trong thời gian vừa qua, tình trạng ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh và 6 tỉnh miền Bắc Trung Quốc đã lên tới mức báo động, vượt quá ngưỡng cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới khoảng 100 lần. Bên cạnh đó, chỉ số đo lường PM2.5 (hạt tiêu chuẩn có đường kính 2,5 micromét) trong không khí ở một số khu vực của Cáp Nhĩ Tân, Thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang đạt mức 1.000, đủ nhỏ để xâm nhập vào phổi và máu gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ ung thư phổi tăng gần 400% tại một số địa phương có tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng.

Vitamin E có thể gây ung thư tuyến tiền liệt

Nghiên cứu được thử nghiệm trên 1700 nam giới bị mắc ung thư tuyến tiền liệt và 3100 nam giới khỏe vào năm 2001. Những người đàn ông trên được chỉ định ngẫu nhiên để nhận vào cơ thể liều cao vitamin E và selen, hoặc nhận vào cơ thể giả dược.

Trước khi tham gia, các nhà nghiên cứu đã đo lượng selen ở móng chân của những người tham gia thí nghiệm.
Kết quả cho thấy, người sử dụng vitamin E đã mắc ung thư tuyến tiền liệt nhiều hơn những người đàn ông dùng giả dược. Đồng thời, vitamin E còn làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt ở những người có nồng độ selen thấp.

Tiến sĩ Eric Klein - chủ nhiệm khoa tiết niệu và thận của Bệnh viện Cleveland cùng các đồng nghiệp của ông đã nói trên tạp chí của Viện ung thư Quốc Gia rằng: “Đàn ông nên tránh bổ sung selen và vitamin E quá liều lượng”.

Những phát hiện này đã cho thấy sự tương tác phức tạp giữa selen và vitamin E. Đồng thời nghiên cứu cho thấy vitamin E làm tăng nguy cơ ung thư ở những người đàn ông có nồng độ selen thấp.

Đây là một sự bất ngờ bởi trước đó, Paul Frankel - một nhà thống kê sinh học của Trung tâm Ung thư hỗn hợp đã cho rằng vitamin E và selen có vai trò chống oxy hóa và việc bổ sung vitamin E có thể bù đắp cho sự thâm hụt chất chống oxy hóa do nồng độ thấp selen mà ra.

Ông Klein còn nói thêm: “Vitamin không phải không độc. Chúng có thể gây hại cho bạn”.

Các nhà nghiên cứu khuyên rằng, những người đàn ông lớn tuổi hơn 55 nên tránh bổ sung lượng lớn vitamin E hoặc selen trong chế độ ăn của mình.

Phát hiện vật chất kỳ lạ trong mắt loài gà

Trạng thái vật chất dị thường nói trên là một kiểu sắp xếp các hạt khiến chúng trông có vẻ hỗn độn ở khoảng cách nhỏ, nhưng lại chứa đựng một trật tự ẩn giấu, cho phép vật chất hành xử vừa giống một tinh thể, vừa giống một chất lỏng. Khám phá có được khi các nhà khoa học nghiên cứu các tế bào nhạy sáng tí hon, hình nón, giúp cảm nhận về màu sắc trong mắt của những con gà.

Đối với gà và các loài chim khác hoạt động tích cực nhất vào ban ngày, những tế bào cảm quang này được chia thành 4 loại thu nhận và xử lý các kích thích màu sắc khác nhau (tím, xanh dương, xanh lá và đỏ) và loại thức 5 nhận diện mức độ ánh sáng. Mỗi loại tế bào hình nón này có một kích cỡ khác nhau.

Các tế bào cảm quang được xếp dày đặc thành một lớp mô trên võng mạc. Nhiều động vật có các tế bào này được sắp xếp theo một mẫu nhất định, chẳng hạn như hình lục giác ở côn trùng. Trong khi đó, các tế bào cảm quang ở mắt gà dường như không tuân theo bất kỳ trật tự tổ chức nào.

Tuy nhiên, khi mô phỏng cách sắp xếp các tế bào cảm quang trong mắt gà trên máy tính, các nhà nghiên cứu đã kinh ngạc phát hiện một trật tự sắp xếp dị thường. Bao quanh mỗi tế bào cảm quang là một vùng loại trừ, ngăn cấm các tế bào cùng loại khác tiến lại gần. Điều này đồng nghĩa, mỗi loại tế bào cảm quang có cách sắp xếp đồng nhất riêng. Tuy nhiên, 5 kiểu mẫu khác nhau của 5 loại tế bào cảm quang riêng rẽ lại được xếp lớp phía trên nhau một cách lộn xộn.

Các vật chất trong trạng thái "siêu đồng nhất rối loạn" giống tinh thể ở điểm, chúng giữ mật độ các hạt cân xứng trong khoảng cách không gian lớn. Nhưng chúng cũng giống chất lỏng ở việc có các tính chất vật lý như nhau ở mọi hướng.

Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Princeton (Mỹ) cho biết, đây là lần đầu tiên con người quan sát được trạng thái "siêu đồng nhất rối loạn" ở một hệ thống sinh vật học. Trước đó, giới khoa học mới ghi nhận nó tồn tại trong các hệ thống vật lý như heli lỏng hay những plasma đơn giản.

Đối với mắt gà, các nhà nghiên cứu phỏng đoán rằng, cách sắp xếp tế bào cảm quang kỳ lạ như trên cho phép loài động vật này lấy mẫu đồng đều ánh sáng đến. Theo họ, các kỹ sư có thể lấy ứng dụng trạng thái "siêu đồng nhất rối loạn" trong tự nhiên để tạo ra những mạch quang học và thiết bị dò ánh sáng nhạy cảm hoặc đề kháng với một số bước sóng ánh sáng nhất định.

Thơm mát dịu ngọt với sữa chua nếp cẩm

Cũng giống như bún đậu mắm tôm, sữa chua nếp cẩm du nhập vào Sài Gòn và rất nhanh chóng trở thành món ăn ưa thích. Và cách làm món này cũng khá đơn giản, chúng ta có thể tự làm và thưởng thức tại nhà.

Nguyên liệu

200g gạo nếp cẩm
- 1 lít nước
- 3 lá nếp (hay còn gọi là lá dứa)
- 80g đường hoa mai
- 6 hộp sữa chua
- 100ml nước cốt dừa.
Cũng giống như bún đậu mắm tôm, sữa chua nếp cẩm du nhập vào Sài Gòn và rất nhanh chóng trở thành món ăn ưa thích. Và cách làm món này cũng khá đơn giản, chúng ta có thể tự làm và thưởng thức tại nhà.
Các bước thực hiện

Gạo nếp cẩm vo sạch.
Cho nếp cẩm vào nồi, thêm nước theo lượng đã ghi.
Đặt nồi gạo, nước lên bếp đun với lửa nhỏ.
Khi nước sôi bạn hớt bỏ bọt và mày trấu còn sót lại (nếu có).
Cho lá nếp vào đun cùng.
Đun nhỏ lửa đến khi nếp chín và hỗn hợp sánh lại. Trong quá trình đun thỉnh thoảng bạn khuấy đều. Do gạo nếp cẩm có lớp vỏ bên ngoài khá dai nên bạn có thể yên tâm sẽ không bị cháy nồi trừ khi bạn để lửa quá to.
Thêm đường, đảo đều, đun thêm 5 phút cho nếp ngấm đều       
Tắt bếp, để hỗn hợp nếp cẩm nguội bớt
Múc chè nếp cẩm ra cốc
Cho sữa chua và nước cốt dừa vào và trộn đều.

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Xuất hiện mạng thông tin toàn cầu cho robot

RoboEarth, tên của mạng toàn cầu (World Wide Web - WWW) dành cho robot học hỏi lẫn nhau và chia sẻ thông tin lần đầu tiên ra mắt ngày 14/1. Một bộ não chung cho tất cả robot trên thế giới.

RoboEarth được các nhà khoa học cho thử nghiệm tại môi trường giả lập phòng bệnh viện tại Đại học Eindhoven (Hà Lan). Bốn robot sử dụng hệ thống RoboEarth, phối hợp với nhau để hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra, bao gồm cả việc phục vụ nước cho bệnh nhân.

Một robot sẽ đưa thông tin bản đồ các phòng bệnh để ba "đồng nghiệp" còn lại biết đường để phục vụ nước cho các bệnh nhân.

RoboEarth là dự án "ấp ủ" bốn năm qua được tài trợ bởi Liên minh châu Âu (EU), được phát triển bởi các nhà khoa học từ Philips và năm trường đại học tại Châu Âu, bao gồm Eindhoven. Hệ thống cho phép cả robot lẫn con người có thể đưa thông tin lên cơ sở dữ liệu dựa trên nền tảng điện toán đám mây (clouse), và đây cũng là "bộ não" cho các cỗ máy.

"Cốt lõi của RoboEarth là một mạng toàn cầu dành cho robot: một môi trường mạng khổng lồ và kho cơ sở dữ liệu, nơi các robot có thể chia sẻ thông tin và học hỏi lẫn nhau", Rene van de Molengraft, trưởng dự án RoboEarth mô tả ngắn gọn.

"Vấn đề thường gặp hiện nay là robot thường được phát triển để thực hiện cho một công việc. Những thay đổi mỗi ngày xảy ra liên tục trong môi trường của chúng ta khiến các hành động được lập trình sẵn trở nên vô dụng".
Để minh họa, nhà khoa học ví dụ qua trường hợp "một robot biết mở hộp thuốc có thể chia sẻ lên RoboEarth, và các robot khác có thể học và làm theo mà không cần phải được lập trình để mở loại hộp thuộc đó".

Ngoài ra, do hệ thống vận hành trên nền tảng "đám mây" nên những tác vụ tính toán hay suy nghĩ có thể thông qua "đám mây", khiến những bo mạch trong robot đỡ vất vả hơn, tiết kiệm điện năng tiêu thụ hơn.

Robot không còn xa lạ trong môi trường kỷ nguyên số ngày nay. Những robot giúp việc nhà cơ bản như robot hút bụi, lau kính... đã được thương mại hóa và có thể mua bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, các nhà khoa học đang phát triển các loại robot "con người" hơn, biết trợ giúp người khuyết tật hay người già.

Bảo mật RoboEarth và việc môi trường robot dần có được trí thông minh cho chính mình cũng là những vấn đề lo ngại được các nhà khoa học nghiên cứu bàn thảo.

Turbine gió có thể trở thành trung tâm của những cơn bão sấm sét

Các nhà nghiên cứu phát hiện, turbine gió có thể trở thành trung tâm của những cơn bão sấm sét lạ thường, với những tia chớp nhoáng có thể lan hướng lên phía trên tới 2km. Mặc dù các nhà quản lý turbine gió đều biết về vấn đề này, nhưng cho tới nay, giới khoa học vẫn chưa thể giám sát hiện tượng một cách chi tiết do tình trạng bão.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Joan Montanyà thuộc Đại học Bác khoa Catalonia (Barcelona, Tây Ban Nha) mới đây đã quay được một thước phim tốc độ cao đầu tiên về cảnh tượng các turbine gió sản sinh ra sét. Cùng với đoạn video, nhóm nghiên cứu của giáo sư Montanyà cũng đã thiết lập một dàn cảm biến radio đặt xung quanh và cách hàng loạt cánh đồng điện gió ở Tây Ban Nha khoảng vài km.

Theo tạp chí Ars Technica, nhờ sử dụng thiết bị cảm biến radio, các nhà nghiên cứu đã có thể lập bản đồ 3D về vị trí của những đợt phát tỏa sóng vô tuyến sét. Vì hầu hết các turbine gió cao 60 - 150 mét, nên chúng rất dễ bị sét đánh.

Giáo sư Montanyà và các cộng sự phát hiện, trong những điều kiện môi trường nhất định, các cánh turbine đang dịch chuyển có thể tự tạo ra một tia sét mỗi lần chúng ở vị trí cao nhất. Trong một vài trường hợp, nhóm nghiên cứu đã quan sát được các chớp nháy tuần hoàn, cách nhau 3 giây phía trên các turbine gió. Ở một trường hợp cá biệt, hiện tượng đã kéo dài tới hơn 1 giờ đồng hồ.

Những tia sét sản sinh như trên có thể hủy hoại chính các cánh turbine. Một vụ bùng nổ sét trên một cánh turbine không được bảo vệ từng dẫn tới sự gia tăng nhiệt độ lên tới 30.000 độ C.

Không giống như máy bay có thân bằng nhôm dẫn điện, các turbine gió hứng chịu sét hoàn toàn, do bất kỳ vật liệu cho thêm nào cũng có thể tăng khối lượng của thiết bị tới mức không chấp nhận được.

Nhóm nghiên cứu tin rằng, các đầu mút quay của cánh turbine đã bị tích điện thông qua cọ xát với không khí, khiến nó có thể sản sinh ra sét trong những điều kiện nhất định. Giáo sư Montanyà hy vọng có thể phát triển một công nghệ giảm thiểu số lượng tia sét do cấu trúc này tạo ra.

Ý tưởng tắt đèn bảo vệ môi trường

"Tắt đèn bật ý tưởng 2014" là cuộc thi thiết kế hình in trên áo phông với chủ đề về Giờ trái đất và biến đổi khí hậu dành cho giới trẻ; từ đó giúp nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi để giảm thiểu biến đổi khí hậu. Cuộc thi có chủ đề "Vì một Việt Nam xanh, sạch, đẹp" và khẩu hiệu "Một ý tưởng, một chiếc áo, một hành tinh".

Cuộc thi năm nay kêu gọi các thí sinh thông qua các tác phẩm nêu lên thực trạng chính môi trường xung quanh, những vấn đề tồn tại ở Việt Nam, hành vi và thói quen ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường và đưa ra giải pháp cải thiện môi trường sống của bản thân, cũng như các hành vi và thói quen sống tích cực thân thiện môi trường.

Ban tổ chức cho biết, 10 bài thiết kế dự thi xuất sắc nhất sẽ được in trên 1.000 chiếc áo phông và bán gây quỹ để thực hiện các hoạt động môi trường cho thanh thiếu niên. Những chiếc áo phông sẽ là công cụ truyền tải thông điệp Giờ trái đất hiệu quả và lâu bền tới cộng đồng giới trẻ Việt Nam.

Lợi nhuận thu được từ việc bán áo năm 2014 sẽ dành để ủng hộ quỹ trồng rừng của chiến dịch "I will if you will 2014". Chiến dịch này đề ra mục tiêu trong năm 2014 sẽ trồng được 3.000 cây đước ở rừng ngập mặn Thừa Thiên Huế, góp phần phòng tránh thiên tai và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Cuộc thi trên được tổ chức bởi dự án môi trường Boo Vironment với sự bảo trợ pháp lý của Live&Learn.

48 bài dự thi xuất sắc nhất của cuộc thi từ năm 2010 đến 2013 đã được in trên 4.800 chiếc áo phông. Tất cả lợi nhuận thu được đều được đóng góp cho quỹ thực hiện Giờ trái đất và các hoạt động bảo vệ môi trường.

Ý tưởng vỏ hộp sữa bảo vệ môi trường

Dự án thu gom vỏ hộp sữa giấy đã qua sử dụng để giao cho một nhà máy tái chế làm mái nhà của nhóm học sinh Việt Nam đã vượt qua gần 400 bạn trẻ châu Á dành giải thưởng môi trường tại Singapore.

Hội nghị môi trường dành cho giới trẻ mang tên "Actions for Earth" vừa diễn ra tại Singapore đã thu hút 450 sinh viên, học sinh đến từ 13 quốc gia, cùng đưa ra các sáng kiến, giải pháp bảo vệ môi trường.

Ban tổ chức yêu cầu các nhóm học sinh từng nước đề xuất ý tưởng bảo vệ môi trường và thuyết trình dự án của mình để tranh giải thưởng trị giá 2.500 SGD (tương đương 41 triệu đồng). Điều bất ngờ là ý tưởng thu gom vỏ hộp sữa giấy của nhóm sinh viên Việt Nam đã vượt qua các đội bạn để giành giải Nhất.

Chia sẻ về dự án của nhóm, em Đặng Minh Hằng, lớp 12 chuyên Anh, trường Trần Phú, Hải Phòng, cho biết, ý tưởng thu gom vỏ hộp sữa của em bắt đầu từ lần xem một bản tin truyền hình về một doanh nghiệp trong nước muốn tìm nguyên liệu là vỏ hộp sữa để tái chế. Doanh nghiệp này đã từng làm mái nhà cho một trường tiểu học và gặp khó khăn vì không có nguồn nguyên liệu.

Minh Hằng cho hay, tại hội nghị, khi cả nhóm Việt Nam cùng ngồi tìm kiếm dự án bảo vệ môi trường, em đã đề xuất ý tưởng này và được các bạn ủng hộ. Cả nhóm đã cùng nhau lên mạng tìm kiếm thông tin và viết dự án, làm slide đến 2 giờ đêm.

Ngày hôm sau, nhóm sắp xếp nội dung để thuyết trình ý tưởng trong vòng 1 phút theo quy định của Ban tổ chức và may mắn được lọt vào vòng 2 với thời gian thuyết trình trong 3 phút.

"Nhóm em chỉ có thời gian thảo luận trong 1 giờ trước khi vào vòng 2, đây là vòng quyết định", Hằng nói và cho hay, tính cả thời gian em đưa ra ý tưởng đến khi lập dự án và kết thúc thuyết trình chưa tới 12 tiếng.

Dự án của nhóm học sinh Việt Nam đề cập hoạt động thu gom vỏ sữa bỏ đi từ các hộ gia đình. Kinh phí dự án ban đầu chỉ là 1.800 USD thử nghiệm trong 3 tháng tại Hà Nội và TP HCM, chi phí để mua túi và phát cho từng hộ dân để đựng vỏ hộp sữa và hỗ trợ các bạn trẻ đi thu gom. Nhóm sẽ kêu gọi các tình nguyện viên đi thu gom vỏ qua mạng Facebook và phối hợp với các công ty sữa hỗ trợ như người dân giao vỏ hộp.

"Việt Nam có 1 triệu hộp sữa được tiêu thụ trong 1 tháng, nếu có truyền thông tốt thì trong tương lai chúng ta có thể tái chế được hết số lượng này", Đặng Minh Hằng nói.
Đánh giá khả năng đạt giải, Minh Hằng cho biết, dự án của nhóm được điểm cao có thể là ý tưởng đơn giản, thiết thực. Tiền giải thưởng sẽ được trích ra một phần làm từ thiện và để trang trải các hoạt động của dự án.
Là người thuyết trình dự án bằng tiếng Anh trước Ban giám khảo và hàng trăm bạn trẻ quốc tế, em Bùi Thị Ngọc Hoa, lớp 11, trường Trần Phú, chia sẻ, em thấy tự tin về ý tưởng của nhóm. Sau khi thuyết trình, có bạn yêu cầu em làm rõ tại sao vỏ hộp sữa có thể làm mái nhà. Và lý do em đưa ra là lớp bên trong vỏ hộp sữa là nhôm nên khá bền chắc, doanh nghiệp tái chế đã khẳng định mái nhà có thể bền vững đến 10 năm.

"Sau hội nghị này, em muốn đưa ra thông điệp bảo vệ môi trường, em muốn có nhiều hoạt động bảo vệ môi trường hơn cho giới trẻ. Bên cạnh đó mong muốn mọi người tin tưởng vào ý tưởng và khả năng của học sinh Việt Nam", Ngọc Hoa nói.
Trao đổi với PV, ông Hugh Mason, chuyên gia tổ chức JFDI ASIA (thành viên Ban giám khảo), cho biết, ông rất ấn tượng với ý tưởng thu gom vỏ hộp sữa của nhóm học sinh Việt Nam, đây là dự án có tính thực tiễn cao, phù hợp với giới trẻ. Trên hết, ông đánh giá cao ý thức bảo vệ môi trường bằng cách tái chế các sản phẩm đã qua sử dụng của các em, rất cần thiết với các nước đang phát triển như Việt Nam.
"Một tập đoàn của Singapore đã nói với tôi họ sẵn sàng đầu tư và hỗ trợ cho nhóm học sinh này thực hiện dự án có hiệu quả, mở rộng trên khắp cả nước", ông Hugh Mason chia sẻ.

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

Rối loạn an toàn sinh học tim gây đột tử cho người trẻ

Dù mang bệnh từ khi mới sinh nhưng hội chứng Brugada chỉ biểu hiện ở độ tuổi khoảng 30-40 với triệu chứng duy nhất là ngất hoặc đột tử, cần được tầm soát để chẩn đoán sớm và ngăn ngừa.

Đột tử ở người trẻ có thể gây ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có một bệnh lý khá nổi tiếng là hội chứng Brugada. Tim người có thể hoạt động đều đặn không ngưng nghỉ trong suốt cuộc đời là nhờ vào một hệ thống an toàn sinh học hoạt động theo những cơ chế điều hòa rất chính xác.
Hội chứng Brugada là một bệnh di truyền ít gặp làm ảnh hưởng đến hệ thống dẫn truyền điện an toàn trong tim. Người mắc mang bệnh từ khi mới sinh, nhưng chỉ biểu hiện ở độ tuổi 30–40. Triệu chứng duy nhất của bệnh là ngất hoặc đột tử.

Nguyên nhân của hội chứng Brugada

Nhịp tim được duy trì bởi những xung điện được phát ra đều đặn từ một trung tâm phát nhịp, thông qua hệ thống dẫn truyền điện để đi đến cơ tim. Các tế bào dẫn truyền này hoạt động nhờ vào một kênh ion - cho phép các phần tử tích điện dương và âm đi qua màng tế bào cơ tim.
Ở bệnh nhân mắc hội chứng Brugada, một trong những kênh ion này bị khiếm khuyết, 1/3 số bệnh nhân bị khiếm khuyết ở một kênh ion đặc hiệu tên là SCN5A. Khiếm khuyết này có thể làm rối loạn an toàn sinh học tim và gây ra một loại rối loạn nhịp có thể gây nguy hiểm tính mạng người bệnh gọi là rung thất. Khi rung thất xảy ra, tim người bệnh đập rối loạn, không còn trật tự, nhịp rất nhanh, khoảng 200–300 lần/phút làm tim không thể bơm máu đi nuôi cơ thể. Cơ quan đầu tiên đáp ứng với tình trạng này là não, lý giải triệu chứng ngất ở các bệnh nhân này.

Hội chứng Brugada là một bệnh lý di truyền, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong một gia đình. Trong khoảng 1/3 trường hợp, các bác sĩ có thể xác định được gene gây bệnh, tuy nhiên những trường hợp còn lại đến nay vẫn chưa tìm ra được các rối loạn di truyền gây ra bệnh lý nguy hiểm này.
Bệnh thường xuất hiện ở nam nhiều hơn nữ, đa số được chẩn đoán ở người lớn độ tuổi từ 25 đến 50. Người châu Á có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với các chủng tộc khác.
Bệnh có thể được phát hiện qua một số phương tiện chẩn đoán như điện tâm đồ, thăm dò điện sinh lý. Hiện nay, phương pháp điều trị duy nhất được chứng minh là đặt một thiết bị được gọi là máy sốc điện chuyển nhịp vào bên trong cơ thể. Thiết bị này sẽ theo dõi nhịp tim của bệnh nhân và sẽ phát ra xung sốc điện khi cần để kiểm soát rối loạn nhịp nguy hiểm, nhất là rung thất.
Bệnh nhân mắc hội chứng Brugada có thể có cuộc sống bình thường. Dù có được đặt máy máy sốc điện chuyển nhịp hay không, bệnh nhân cần luôn kiểm tra định kỳ với bác sĩ để chắc chắn tình trạng bệnh của mình đang được kiểm soát tốt. Vì Brugada là bệnh di truyền, các thành viên trong gia đình bệnh nhân cũng cần được tầm soát để chẩn đoán sớm và ngăn ngừa nguy cơ đột tử.

Phát minh bao cao su điện an toàn và giúp tăng khoái cảm

Bằng cách sử dụng phần mềm “kích thích tay áo” lắp với các điện cực, những người tạo ra bao cao su điện hy vọng thiết bị tương lai này có thể tăng thêm cảm giác thích thú cho các cặp đôi.

Bên cạnh những lợi ích không thể bàn cãi thì bao cao su cũng thường bị phàn nàn làm giảm cảm giác khi “lâm trận”. Với suy nghĩ này, hai sinh viên Firaz Peer và Andrew Quitmeyer từ Georgia (Mỹ) đã tạo ra thiết bị kỹ thuật số giúp chuyển những xung điện ngắn dọc theo mặt trong của bao cao su để làm tăng thêm cảm giác.

Sản phẩm này được gọi là Lươn điện, được làm bằng một loại vải dẫn điện và một vi điều khiển Lilypad, cho phép tiếp nhận các lệnh đầu vào từ nhiều nguồn khác nhau chẳng hạn như hơi thở của đối tác hay phần mềm trên internet.

Do đó, người dùng có thể kiểm soát được tần số của xung điện truyền đi theo ý muốn. Ngoài ra, lượng điện năng truyền trong sản phẩm này cực kỳ nhỏ nên người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm.

Được biết, đây chỉ là mẫu thử nghiệm dự thi trong chương trình kêu gọi phát minhthân thiện với người dùng của Quỹ Bill và Melinda Gates. Hiện hai sinh viên Peer và Quitmeyer đã thiết lập chiến dịch trên trang Indiegoo để kêu gọi tài trợ cho dự án và hy vọng sẽ tăng được 10.000 USD vào cuối tháng 3 này.

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Tiềm thức con người và những nỗi sợ hãi trong giấc mơ

Ai trong chúng ta cũng có một nỗi sợ riêng - đó có thể là nỗi sợ bóng tối, sợ sự cô đơn, hay đơn giản chỉ là sợ một loài vật như nhện, chuột... Cảm xúc ấy nhìn chung có lẽ xuất phát từ cuộc sống, từ những trải nghiệm kinh hoàng từng xảy đến với mỗi người.

Song ít ai biết rằng, thực ra, có nỗi sợ đã tồn tại thậm chí từ khi con người chưa cất tiếng khóc chào đời. Qua quá trình tiến hóa hàng triệu năm, bên trong cơ thể chúng ta đã hình thành những cấu trúc, bộ phận quy định một số điều mà con người chắc chắn sẽ lo sợ…

1. Nỗi sợ rắn


Trong thần thoại Adam và Eva nói về sự ra đời của con người xa xưa, rắn chính là kẻ xúi giục Eva ăn trái cấm trong vườn địa đàng. Từ đó, nó luôn được coi là biểu tượng của sự độc ác, luôn tìm cách hãm hại con người.

Không dừng lại ở khía cạnh văn hóa, nếu nhìn dưới góc độ sinh học, rắn cũng là mối đe dọa khiến loài người chúng ta phải e sợ. Lý do là bởi trên thế giới, có tới 250 loài rắn có thể giết chết con người chỉ bằng một nhát cắn. Tại Ấn Độ, mỗi năm trung bình có 250.000 vụ rắn cắn xảy ra, trong đó có tới 20% nạn nhân thiệt mạng.

Trên thực tế, các nghiên cứu sinh học về cơ thể người đã chứng minh nhận định, con người sợ rắn từ khi mới cất tiếng khóc chào đời. Hệ quả là trong quá trình tiến hóa, cơ thể thích nghi bằng cách tạo ra nhiều cơ quan, cơ chế giúp chúng ta dễ nhận diện kẻ thù này.

Cấu tạo của mắt con người khá đặc biệt, cho phép chúng ta có thể phát hiện được những đốm, hoa văn hình ô quả trám, kim cương dễ dàng hơn hẳn so với hình tròn, hình tam giác. Đây lại chính là hình dạng lớp da bên ngoài của phần đông các loài rắn trong tự nhiên. Nhiều thí nghiệm của các nhà khoa học đã chỉ ra, chúng ta hoàn toàn có thể nhận diện về của một con rắn đang ngụy trang dù chỉ thấy một phần nhỏ cơ thể nó.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, các tế bào thần kinh chịu trách nhiệm kiểm soát nỗi sợ của con người cũng càng trở nên nhạy cảm, dễ bị kích thích. Đó là lý do chỉ cần đi vào những khu rừng rậm vắng vẻ, heo hút, chúng ta luôn trong tâm trạng nơm nớp lo sợ, thường xuyên nhìn mặt đất vì sợ gặp phải rắn độc.

2. Những vật nhọn


Hoa hồng là niềm yêu thích của rất nhiều người, nhưng ít ai nhận ra, gai của chúng cũng như những vật nhọn khác lại khiến cho tất cả chúng ta sợ hãi.

Để chứng minh nhận định trên, chuyên gia Richard Coss và cộng sự đã tiến hành một thí nghiệm rất thú vị. Trên một con đường, họ trồng hai loài cây khác nhau ở hai bên đường: Yucca Gloriosa - một loài cây có lá hình dao găm nhọn và bằng lăng - một loài cây có lá tròn. Sau đó, Richard ghi hình lại cảnh người đi bộ và chạy bộ qua con đường ấy.

Kết quả phân tích băng video thu được cho thấy, hầu hết cả người đi bộ lẫn chạy bộ có xu hướng di chuyển lệch sang phía cây Yucca Gloriosa thay vì phía cây bằng lăng lá tròn.

Phải chăng là cây bằng lăng nguy hiểm hơn? Theo Richard, câu trả lời là ngược lại. Hình dạng lá dao gặm nhọn mang lại cho cơ thể một phản ứng lo sợ tự nhiên mà ta rất khó nhận ra. Khi đối mặt với nỗi sợ này, con người sẽ lại gần, quan sát, phân tích để hiểu rõ hơn nỗi nguy hiểm và dễ dàng tránh xa chúng hơn.

3. Báo đốm

Báo đốm là một trong những sát thủ giỏi trong tự nhiên. Với tốc độ có thể đạt tới 150km/h, chúng là “gã thợ săn” có thể giết chết con mồi chỉ bằng một cú nhảy vồ. Có lẽ vì vậy mà chúng là nỗi khiếp sợ của tổ tiên chúng ta thời nguyên thủy, đến nỗi sự sợ hãi ấy di truyền lại tới tận ngày nay.

Cũng giống như rắn, hệ thống phản ứng tự nhiên của con người rất nhạy cảm và cảnh giác với báo đốm. Một nghiên cứu đã được tiến hành với trẻ sơ sinh và trẻ em vừa biết đi đã chứng minh kết luận trên.

Theo đó, các em bé tham gia thử nghiệm được đặt trước mặt bốn chiếc lọ, trong mỗi lọ có giấy vẽ hoa văn khác nhau, trong đó có một lọ là giấy hoa văn da báo đốm.

Kết quả là các em bé gần như đều bị kích thích bởi “chiếc lọ báo đốm” và liên tục chọc tay vào đó. Khi người ta để cho chiếc lọ lăn, gần như các em đều khựng lại và rụt tay ngay lập tức.

Các chuyên gia lý giải rằng, nỗi sợ báo đốm tiềm ẩn đã khiến cho các em bé tìm cách điều tra, chứng thực xem liệu đó có phải mối nguy hiểm hay không bằng cách chọc tay vào lọ. Sau đó, khi thấy chiếc lọ chuyển động, điều này làm các em tưởng rằng, đó chính là báo đốm thật nên mới phản ứng như vậy.

4. Ánh mắt


Bạn đã bao giờ thấy rùng mình mỗi khi nhìn vào đôi mắt chú mèo yêu quý phát sáng trong đêm tối chưa? Nếu có thì cũng đừng lo, bởi đó là chuyện hết sức bình thường. Con người ngay từ khi sinh ra đã mắc phải chứng “sợ những ánh mắt”

Các nghiên cứu hành vi ở người đã cho thấy, trẻ em sơ sinh dưới 36 tuần tuổi đã có những phản ứng khác thường, biểu lộ sự sợ hãi đối với ánh mắt. Khi nhìn thấy người lạ, các em thường rụt đầu, cơ thể bỗng nhiên căng cứng và nhắm tịt mắt.

Một nghiên cứu khác trên khỉ cũng đưa ra kết quả tương tự. Ở khỉ cũng có một hệ thống thần kinh đặc biệt giúp dễ phân biệt, nhận biết đối tượng qua đôi mắt.

Trong các thí nghiệm, người ta chứng minh được rằng, khỉ hoang dã phát hiện ra những con báo đốm nhanh hơn nếu nhìn được trực tiếp đôi mắt của báo thay vì các bộ phận khác như mình, tay, chân… Đối với chúng, ánh mắt gợi nên cảm giác sợ hãi, kích thích phản ứng cũng như hoạt động của não bộ giúp khỉ dễ dàng nhận ra kẻ thù tiềm tàng.

Rò rỉ 100 tấn nước nhiễm phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1

Theo Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) ngày 20/2, khoảng 100 tấn nước nhiễm phóng xạ ở mức độ cao đã bị rò rỉ qua một trong những bể chứa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Công tác ngăn chặn tình trạng rò rỉ đã được tiến hành. Lượng nước trên chứa 230 triệu becquerel (Bq)/lít strontium và các chất phóng xạ khác thoát ra .

TEPCO tin rằng số nước trên vẫn chưa chảy ra biển bởi không có hệ thống thoát nước nào gần đó.

TEPCO cho biết, một nhân viên tuần tra đã phát hiện sự rò rỉ từ nắp bể chứa hồi 11 giờ 25 (giờ địa phương) ngày 19/2.

Lượng nước trên đã chảy qua ống dẫn nước mưa, thoát ra rào chắn, nơi ngăn nước chảy ra ngoài khi các bể chứa bị rò rỉ.

TEPCO nghi ngờ rằng, số nước nhiễm xạ đã chảy nhầm vào bể, bởi các van đáng lẽ đóng thì lại mở khiến nước trong bể bị tràn ra ngoài. Theo đó, một trong số các van đã bị trục trặc, trong khi hai cái khác thì lại mở.
Sau khi đóng hai van trên, TEPCO xác nhận sự rò rỉ đã chấm dứt hồi 5 giờ 40 (giờ địa phương).

Quá trình hình thành sự sống trong vũ trụ

Các nhà vật lý Nga và Italy đã tạo ra được các quá trình giống như quá trình tự sản sinh sự sống trên các thiên thạch trong vũ trụ, nhờ các máy gia tốc của Viện nghiên cứu hạt nhân thống nhất ở Dubna, Nga.

Kết quả này đã được lãnh đạo cuộc nghiên cứu, Giám đốc phòng thí nghiệm sinh học phóng xạ Evgheny Krasavin và Giáo sư Đại học tổng hợp Sapiensa (Rome, Italy) Ernesto Di Mauro thông báo ngày 19/2.

Các nhà khoa học xuất phát từ lý thuyết cho rằng, nếu như tất cả các sinh vật cấu tạo từ protein và axit nucleic, các chất này có thể được tạo thành bằng cách nào đấy.

Hơn nữa, những điều kiện tốt nhất cho quá trình này được hình thành không phải trên các hành tinh mà trên các tiểu hành tinh và thiên thạch.

Trong khoảng không vũ trụ tồn tại một số lượng khổng lồ chất formamide chứa hydro, oxygen và nitrogen, vốn được tạo ra sau vụ nổ Big Bang hình thành nên vũ trụ.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng formamide trên bề mặt các thiên thạch do tác động của bức xạ vũ trụ, tạo nên các quá trình gọi là tổng hợp tiền sinh học trong khoảng không vũ trụ.

Theo các nhà khoa học, đó là cách các protein và axit nucleic tạo thành. Các quá trình này đã được các nhà khoa học mô hình hóa trên các máy gia tốc của Viện Dubna với tốc độ cao hơn nhiều lần.

Ông Krasavin giải thích trong điều kiện thử nghiệm, các nhà khoa học đã nén không gian và thời gian, và mô hình hóa lát cắt thời gian đã diễn ra trong vũ trụ trong hàng triệu, thậm chí hàng tỷ năm.

Theo ông, điều rất quan trọng là vụ nổ Big Bang tất yếu tạo ra những điều kiện trong đó nhất định sẽ xuất hiện các đại phân tử thông tin và khi rơi vào các hành tinh, các đại phân tử này có thể đưa đến các giai đoạn tiến hóa tiếp theo dẫn tới sự hình thành sự sống.

Tuy nhiên, ông Krasavin nhấn mạnh rằng để tạo ra sự sống từ vật chất vô cơ có thể phải mất nhiều thời gian nữa.

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

Việt Nam chưa thể triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: "Năm nay chưa thể khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận theo Nghị quyết Quốc hội. Thời điểm này có thể lùi lại ít nhất 2-3 năm nữa và Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội việc này".

Về lộ trình, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, cuối năm nay Việt Nam mới thẩm định báo cáo khả thi và chọn phương án công nghệ, xác định địa điểm xây dựng nhà máy, làm hồ sơ mời thầu thiết kế để sau năm 2015 sẽ đấu thầu. Tiếp đến là đấu thầu đầu tư xây dựng rồi bắt đầu thi công, nghiệm thu và khởi động nhà máy.
"Vì nâng cao yêu cầu an toàn nên tiến độ phải chậm lại so với dự kiến, có thể phải đến 2025 tổ máy đầu tiên mới đi vào hoạt động", ông Quân nói.

Trước quyết định trên, nhiều chuyên gia nguyên tử cho rằng, việc lùi thời gian xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đầu tiên sẽ giúp Việt Nam có thêm thời gian để chuẩn bị mọi mặt thật chu đáo, nhất là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực.

Trong chuyến thăm Việt Nam hồi đầu tháng, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)  cho rằng, thông thường việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên mất 10-15 năm kể từ giai đoạn lên kế hoạch. Tuy nhiên, thời gian không phải vấn đề chính, mà Việt Nam cần làm thế nào để chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng.
"Việt Nam không nên quá vội vàng, gấp gáp, vì đây là dự án lớn với một quốc gia mới phát triển điện hạt nhân", ông Yukiya Amano nói.

Việt Nam có kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận, với sự giúp đỡ của Nga. Còn nhà máy thứ hai sẽ do Nhật Bản xây dựng. Trong đó theo dự kiến ban đầu, Ninh Thuận 1 xây dựng năm 2014 và bắt đầu hoạt động năm 2020.

Trái Đất sẽ ra sao nếu có người ngoài hành tinh xuất hiện

Không thể phủ nhận rằng, nền công nghiệp khoa học vũ trụ của loài người đã có những tiến bộ vượt bậc so với thủa sơ khai, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có phát hiện nào về một nền văn minh khác trong vũ trụ.
Mới đây, Seth Shostak - nhà thiên văn học hàng đầu thuộc Viện SETI, California (Search for Extraterrestrial Intelligence - Tìm kiếm Sinh vật Thông minh ngoài Trái đất) khẳng định sẽ tìm ra bằng chứng về người ngoài hành tinh trước năm 2040, nhờ vào các tín hiệu điện từ và vô tuyến trong không gian.

Không chắc tuyên bố của ông có thành hiện thực, nhưng đã có câu hỏi đặt ra là: nếu có bằng chứng tuyệt đối về sự sống bên ngoài Trái đất thì hành tinh của loài người sẽ thay đổi như thế nào? Hãy cùng đến với lời giải đáp của một số nhà nghiên cứu theo thông tin .

Từ những giả thiết ban đầu


Các nhà nghiên cứu khi bước vào giải đáp điều này đã đặt ra các giả định. Đầu tiên, phát hiện mang tầm vóc lịch sử này sẽ được khám phá vào tương lai gần. Tiếp đó, loài người chỉ có thể giao tiếp với các vị khách từ vũ trụ bằng những tín hiệu điện từ. Và cuối cùng, nền văn minh ngoài Trái đất sẽ chỉ thấp hơn hoặc ngang ngửa, hoặc không vượt quá xa so với loài người.

... đến những tác động lớn hơn...


Milan Cirkovic - một trợ lý nghiên cứu tại Đài quan sát Belgrade, đồng thời cũng là một chuyên gia tại viện SETI phát biểu: "Nhiều người cho rằng, những tín hiệu bên ngoài Trái đất sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến nhân loại".
Nhưng theo ông, dựa trên lý thuyết của nhà thiên văn học Carl Sagan (1934- 1996), việc phát hiện ra bằng chứng về một giống loài khác trong vũ trụ sẽ có những tác động rất lớn đến nhân loại.

Nó ảnh hưởng cụ thể trong nhiều lĩnh vực khoa học và cả thuyết “loài người là trung tâm”- anthropocentrism. Carl Sagan từng đề cập, những tín hiệu về sự sống ngoài hành tinh sẽ là một sự cổ vũ rất lớn dành cho ngành khoa học vũ trụ, cả trong nghiên cứu lẫn các dự án cư trú ngoài không gian.
Tuy nhiên, giả thuyết này được Sagan đưa ra vào thế kỷ trước không khiến nhiều người để tâm. Nhưng vào thời điểm hiện nay, khi khoa học đã phát triển vượt bậc, các nhà nghiên cứu háo hức tìm tòi và thấy phấn khích, mong muốn được khám phá vũ trụ để gặp "vị hàng xóm" này.

Cirkovic dự đoán, nếu điều này thành hiện thực, sẽ có khoảng một nửa số ngành khoa học hiện nay trở nên sai lệch nghiêm trọng. Tuy nhiên, một số ý kiến phản bác lại rằng, loài người nên cố thủ, tìm cách trốn chạy, thay vì ra sức đi tìm những mối nguy hiểm tiềm năng bên ngoài vũ trụ. Thậm chí, một số còn nói, loài người cần vũ khí để chống lại sự đe dọa từ người ngoài hành tinh.

Và những ảnh hưởng đến quỹ đạo phát triển của hành tinh


Vậy liệu việc tìm ra “sinh vật thông minh ngoài Trái đất” sẽ ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của các nền văn minh? Ông Cirkovic cho biết, nhà thiên văn học Sagan đã chỉ ra những tác nhân từ bất kỳ nền văn minh nào trong thủa sơ khai.
Sagan cho rằng, bất kỳ nền văn minh nào cũng có môi trường tương tác với vũ trụ (nhìn thấy sao trời, nhìn thấy các vật thể trong vũ trụ), đều sẽ có ham muốn tìm hiểu, khám phá về nó. Nhưng cũng có thể có ngoại lệ, nếu như một loài tiến hóa trong môi trường hoàn toàn khác biệt - như Sao Mộc, với bầu khí quyển lớn nhất trong Hệ Mặt trời nhưng mờ mịt, không thể thấy vũ trụ - thì sẽ ít hứng thú với những thứ xung quanh hành tinh của họ.
Theo Milan Cirkovic, nếu giả thuyết của Sagan đúng, việc phát hiện ra nền văn minh ngoài Trái đất vào giai đoạn này sẽ là một điều tuyệt vời. Ngoài những tác động đến việc phát triển khoa học, công nghệ vũ trụ, nó còn đem lại động lực cho các khoa học gia trong việc khám phá và chinh phục không gian.

Và thậm chí, người ngoài hành tinh có thể kích động những thay đổi về văn hóa và chính trị, thành lập các đảng phái, hay cho ra đời một số tôn giáo mới, hoặc làm biến mất một số tôn giáo hiện thời.
Cũng có một khả năng là sẽ chẳng có gì thay đổi cả. Những tín hiệu bên ngoài Trái đất sẽ chẳng đem lại điều gì khác biệt khi các nhà khoa học hay chính trị gia… giấu biệt nó khỏi người dân.

Tuy nhiên, khả năng tồi tệ nhất xảy ra, đó là có thể dẫn đến sự cuồng loạn và hoang tưởng trong xã hội. Hoặc trớ trêu hơn, việc tìm thấy một nền văn minh tương đương với nhân loại có thể trở thành nền tảng cho thuyết "đại chọn lọc" trong Nghịch lý Fermi phát triển.
Nghịch lý này đề cập đến việc các nền văn minh tự động tìm rồi tự diệt lẫn nhau, dẫn đến sự suy vong của toàn vũ trụ. Và biết đâu, chính điều này có thể khiến các khoa học gia chùn bước khi muốn hướng đến một tương lai xa hơn, nơi loài người chinh phục khắp vũ trụ.

Truyền thông điệp bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm bằng 5 thứ tiếng

Thái tử Charles và Hoàng tử William truyền thông điệp bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm bằng 5 thứ tiếng, bao gồm tiếng Việt, trong đoạn video công bố 

Theo Huffington Post, đoạn video được ghi lại từ điện Clarence House vào tháng 11/2013. Video được công bố trước Hội nghị về vấn đề buôn bán trái phép động vật hoang dã diễn ra ở thủ London trong hai ngày 12 và 13/2.
Trong đoạn video, Thái tử Charles và Hoàng tử William kêu gọi "Hãy đoàn kết vì động vật hoang dã" bằng tiếng Arab, Tây Ban Nha, tiếng Trung Quốc, tiếng Việt và tiếng Swahili.

Thái tử Charles, chủ tịch Quỹ động vật Hoang dã Thế giới (WWF) tại Vương quốc Anh, mở đầu thông điệp: "Chúng tôi ngồi cùng nhau với tư cách là cha và con để góp thêm tiếng nói vào nỗ lực toàn cầu chống lại nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã. Buôn bán động vật hoang dã không những đe dọa nghiêm trọng sự sống của một số loài động vật quý hiếm mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế và chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới".

Khoảng 3.000 con voi bị giết vào năm 2013, tương đương 100 con chết mỗi ngày. Trong vòng 10 năm qua, 62% voi rừng châu Phi đã biến mất. Nếu tỷ lệ này tiếp tục duy trì, voi rừng có thể sẽ tuyệt chủng trong vòng 10 năm tới. Cách đây khoảng 100 năm, số lượng hổ hoang dã sống ở châu Á là 100.000. Nhưng ngày nay, chỉ còn chưa đến 3.200 con sống trong môi trường tự nhiên, Thái tử Charles cảnh báo.

Trong khi đó, Hoàng tử William, thành viên hoàng gia của Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã Tusk Trust, đồng thời chủ tịch Tổ chức bảo vệ động vật United for Wildfire, phát biểu:"Năm nay, tôi đã tham gia nhiều hơn vào các hoạt động bảo vệ các nguồn tài nguyên của Trái Đất. Điều đó không chỉ đem lại lợi ích về sau cho con trai tôi mà còn cho nhiều đứa trẻ khác. Tôi muốn chúng có thể trải nghiệm một châu Phi như tôi từng có cơ hội biết đến".